Trong bốn mùa, mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị nhiễm bệnh nhất do khoảng thời gian này thời tiết thay đổi đột ngột, đồng thời trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoài trời nên tiếp xúc với nhiều nguồn lây bệnh khác nhau. Cha mẹ cần nắm vững các triệu chứng điển hình của các bệnh trẻ có thể mắc vào mùa hè để giúp trẻ phòng tránh và điều trị tốt hơn.
Viêm tai ngoài
Triệu chứng
Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng của ống tai ngoài xảy ra khi nước vẫn bị giữ lại trong tai tạo ra môi trường ẩm ướt khiến vi khuẩn phát triển. Trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng tai sau các hoạt động thể thao dưới nước hoặc chơi đùa.
Khi bị viêm tai ngoài trẻ sẽ bị đau nhẹ, ù tai, ngứa tai, tai rỉ dịch.
Cách điều trị
Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất thính giác tạm thời và phải điều trị bằng thuốc. Để phòng tránh hãy dặn trẻ đeo nút bịt tai khi ở dưới nước.
Say nắng
Triệu chứng
Say nắng là tình trạng cơ thể quá nóng do hoạt động dưới ánh nắng mặt trời quá lâu, nhất là trong khung giờ từ 11h – 14h.
Khi bị say nắng, trẻ sẽ có triệu chứng như:
- Vã nhiều mồ hôi
- Nhiệt độ cơ thể thường quá 41 độ C
- Triệu chứng tuần hoàn mạch nhanh, tăng thông khí, tăng huyết áp…
- Co giật, hôn mê, nói sảng, ảo giác, duỗi cứng, suy chức năng tiểu não, co hoặc giãn đồng tử, rối loạn đông máu, xuất huyết kết mạc….
- Thở nhanh, kiềm máu, suy hô hấp cấp
- Đái máu, thiếu niệu, vô niệu dẫn đến suy thận cấp
Cách điều trị
Khi trẻ bị say nắng, cha mẹ cần biết cách xử lý kịp thời để tránh gây hậu quả nặng nề.
- Làm mát cho trẻ ngay tức thì bằng cách đưa trẻ vào bóng râm hoặc có nhiệt độ mát hơn, cởi bỏ quần áo để thoát nhiệt
- Áp nước ấm lên người trẻ để tăng quá trình bốc hơi
- Áp đá lạnh lên vùng cổ, nách, bẹn của trẻ
- Nếu trẻ vẫn mê man không tỉnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi kịp thời.
Phát ban nhiệt
Triệu chứng
Nổi ban nhiệt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè, da của trẻ bị phát ban do viêm tấy, nổi những hạt nhỏ li ti hoặc cả mảng màu hồng khi trẻ đồ mồ hôi nhiều.
Ban nhiệt sẽ xuất hiện ở các vị trí như trán, cổ, vai, lưng, ngực, vùng tã lót và các nếp gấp trên cơ thể của trẻ.
Ban nhiệt được chia thành 3 loại tùy mức độ tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi nông hay sâu:
- Ban bạch: từng đám bọng nước trắng li ti không viêm, không đỏ và ít gây ngứa
- Rôm sảy: da đỏ lên, nhiều bọng nước rời rạc hoặc thành chùm lấm tấm đỏ trên da, gây ngứa rát từng cơn khiến trẻ gãi nhiều và quấy khóc do khó chịu.
- Ban kê mủ: ít gặp, xảy ra do tình trạng rôm sảy tái phát nhiều lần, mụn cứng màu sẫm, ít ngứa nhưng nguy hiểm vì dễ gây kiệt sức do nhiệt
Cách điều trị
- Tránh cho trẻ đổ mồ hôi nhiều: nên cho trẻ mặc đồ thoáng, chất liệu thấm mồ hôi, ngủ dưới điều hòa hoặc quạt gió, hạn chế chạy nhảy khi thời tiết nóng
- Vệ sinh da cho trẻ: Tắm rửa hàng ngày cho trẻ và chú ý các vùng da hay cọ xát, các nếp kẽ đồng thời nên thay tã bỉm thường xuyên cho trẻ
- Để ý không cho trẻ gãi quá nhiều
- Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung hoa quả, chất xơ
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi ngoài da cho trẻ mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ
Sốt
Triệu chứng
Khí hậu khô nóng vào mùa hè thay đổi đột ngột khiến cơ thể trẻ nhỏ không thích ứng kịp dễ dẫn đến sốt cao.
Theo nhiệt độ đo được ở nách có thể nhận biết mức độ sốt của trẻ như sau:
- Sốt nhẹ: 37,5 độ C đến thấp hơn 38,5 độ C
- Sốt cao: 38,5 độ C đến 39,5 độ C
- Sốt rất cao: >39,5 độ C
Cách điều trị
- Khi trẻ bị sốt cha mẹ cần giúp cơ thể trẻ thoát nhiệt bằng cách cởi bớt quần áo, giảm nhiệt độ phòng, sử dụng quạt thông gió.
- Cho trẻ uống nhiều nước, nước chanh, nước cam hoặc tăng thêm các bữa bú cho trẻ
- Cha mẹ có thể sử dụng khăn mát đắp vào trán hoặc bẹn cho trẻ để tăng thải nhiệt
- Lau người cho trẻ bằng khăn ấm để làm giãn mạch máu giúp trẻ mau hết sốt
- Cần cho trẻ đi khám kịp thời nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao co giật và không nên tự ý mua thuốc hạ sốt cho trẻ
Bệnh chàm eczema
Triệu chứng
Eczema là tình trạng viêm da mãn tính khiến da bị đỏ, khô, bong vảy và ngứa. Khi trẻ mắc phải bệnh này sẽ có thể phát triển thành hen suyễn hay sốt mùa hè.
Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với ba dạng chính:
- Viêm da eczema dị ứng: da của trẻ bị phát ban mãn tính, da khô, ngứa và trở nên sưng đỏ, nổi vảy. Khi trẻ gãi sẽ xuất hiện vết nứt đứt đoạn và nặng hơn có thể gây nhiễm trùng thứ cấp đồng thời để lại sẹo
- Viêm da eczema do tăng tiết bã nhờn: vùng da bị viêm khô, đỏ và hơi nổi vảy, không ngứa. Viêm chủ yếu ở trên mặt, cổ, ngực, nếp gấp của da và khu vực mang tã.
- Viêm da do tiếp xúc: nguyên nhân do cha mẹ sử dụng các loại mỹ phẩm, kem và xà phòng chứa chất gây kích ứng da cho trẻ. Vùng da viêm sẽ có triệu chứng bị nổi đỏ, đôi khi có mụn sần, mụn thịt hoặc mụn nước, gây ngứa và phồng rộp.
Cách điều trị
- Nếu bệnh eczema của trẻ là do di truyền thì không thể ngăn chặn được
- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để tránh bệnh chàm
- Hạn chế việc để trẻ tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi và các loại xà phòng, chất tẩy rửa gây kích ứng da
- Thoa kem dưỡng ẩm an toàn cho trẻ ngay sau khi tắm
- Lựa chọn quần áo thoáng mát, vải cotton mềm dễ thấm mồ hôi khi mặc cho trẻ
- Trường hợp tình trạng viêm nhiễm da của trẻ nặng hơn cần đưa trẻ đến khám tại viện để có điều trị phù hợp
Bệnh lyme
Triệu chứng
Lyme là bệnh do vi khuẩn lây truyền từ các con bọ chét nhiễm bệnh sang người. Trẻ nhỏ sống ở vùng nhiệt đới, nhiều cây cối sẽ gặp phải bệnh này.
Bệnh lyme xuất phát từ vết sưng nhỏ màu đỏ giống như vết muỗi đốt, nhưng chỉ từ 3 đến 30 ngày vùng đỏ sẽ mở rộng tạo thành mô hình mắt bò. Vết sưng thường không ngứa hay đau nhưng sẽ cảm thấy ấm khi chạm vào.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sưng hạch…
Cách điều trị
Khi cho trẻ vui chơi ngoài trời cha mẹ cần mang giày, quần dài nhét vào tất, áo dài tay và mũ đầy đủ cho trẻ. Ngoài ra nên sử dụng thuốc chống côn trùng cho trẻ, tránh tay, mắt và miệng.
Nếu trẻ bị mắc bệnh lyme, cần đưa trẻ đi khám và sử dụng thuốc kháng sinh điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng
Khi trẻ ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hay độc tố vi khuẩn sẽ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Các triệu chứng chính của ngộ độc thực phẩm sẽ là tiêu chảy, nôn ói, đau bụng trong khoảng thời gian lâu.
Nếu tiêu chảy và nôn quá nhiều sẽ khiến trẻ bị mất nước và gây kiệt sức nhanh. Cha mẹ có thể nhận biết con bị mất nước khi thấy con có các biểu hiện như đi tiểu ít, miệng khô, khóc ít nước mắt, yếu tay chân, da nhợt nhạt, thở nhanh…
Cách điều trị
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cách điều trị chăm sóc tại nhà.
- Để ý tình trạng nôn của trẻ, cho trẻ nằm nghiêng một bên khi nôn để tránh nguy cơ hít dịch nôn vào phổi
- Bù nước, điện giải cho trẻ khi trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa quá nhiều bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hoặc uống dung dịch oresol
- Nên cho trẻ ăn nhẹ bằng thức ăn mềm như cháo, súp nghiền để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường.
- Cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Quai bị
Triệu chứng
Quai bị là bệnh phổ biến mà hầu như trẻ nhỏ đều có thể mắc phải ít nhất một lần trong đời. Triệu chứng dễ nhận biết khi mắc quai bị đó là sốt cao 3-4 ngày, chảy nước bọt, má sưng to gây đau khi nuốt nước bọt.
Bệnh quai bị sẽ khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ từ 6 – 10 tuổi.
Cách điều trị
Để phòng ngừa quai bị, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin để đảm bảo an toàn.
Nếu trẻ có dấu hiệu quai bị, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm, tuyệt đối không lau bằng nước lạnh
- Cho trẻ uống nhiều nước và thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý
- Cho trẻ ăn thức ăn loãng và tốt nhất nên ăn bằng ống hút
- Tuyệt đối không cho trẻ chạy nhảy khi bị quai bị vì sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn (đối với bé trai)
Bệnh sởi
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh sởi sẽ thể hiện thông qua 4 thời kỳ phát triển của bệnh:
- Thời kỳ ủ bệnh: trẻ không có biểu hiện lâm sàng trong khoảng từ 8 đến 11 ngày
- Thời kỳ khởi phát: giai đoạn này trẻ sẽ bị ban mọc khắp cơ thể, ban màu hồng, dát sẩn và kéo dài trong khoảng từ 4 – 6 ngày.
- Thời kỳ khỏi bệnh: ban bay dần theo thứ tự mọc, tuy nhiên ban sẽ để lại sẹo
Cách điều trị
Khi trẻ nhỏ bị sởi cha mẹ cần chữa trị kịp thời vì bệnh sởi sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, viêm não cấp tính, tiêu chảy…
Do đó khi thấy con có triệu chứng bị sởi, cần đưa trẻ đi khám tại viện để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc trẻ:
- Uống thuốc hạ sốt theo kê đơn của bác sĩ
- Cách ly trẻ tại nhà để tránh lây cho trẻ khác
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày
- Chế độ ăn đủ chất cho trẻ
Để phòng ngừa bệnh sởi, từ 9-12 tháng tuổi, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng sởi mũi 1 và tiêm mũi 2 trong giai đoạn 18 tháng tuổi.
Thủy đậu
Triệu chứng
Mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị thủy đậu nhất, biểu hiện dễ nhận biết khi trẻ bị thủy đậu chính là mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, có thể mọc trong cả niêm mạc lưỡi và miệng. Các mụn nước sẽ gây ngứa và rát.
Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt, chán ăn, buồn nôn, đau đầu và mệt mỏi.
Bệnh thủy đậu cần được theo dõi và điều trị kịp thời vì bệnh dễ gây nên biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi, viêm cầu thận cấp…
Cách điều trị
Cha mẹ có thể tự điều trị thủy đậu tại nhà cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
- Mặc đồ rộng cho trẻ để tránh làm vỡ mụn nước
- Tuyệt đối không cho trẻ ra gió
- Không cho trẻ gãi vào các nốt mụn vì sẽ làm lây lan mụn ra nhiều hơn
- Chỉ sử dụng nước ấm để vệ sinh cơ thể cho trẻ
- Có thể sử dụng thuốc tím để bôi lên các nốt mụn với tác dung kháng viêm và ngăn ngừa sẹo
- Nếu mụn nước vỡ ra có thể dùng dung dịch xanh methylen bôi lên
Cha mẹ có thể phòng ngừa thủy đậu cho trẻ bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu: mũi 1 trên 1 tuổi, mũi 2 từ 2 tuổi – 13 tuổi.
Tay chân miệng
Triệu chứng
Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng sẽ khác nhau tùy vào từng giai đoạn của bệnh, dễ nhận biết nhất là khi bệnh vào giai đoạn khởi phát.
- Trẻ sốt, mệt mỏi
- Đau họng
- Bị đau rát ở răng và miệng
- Tiết nước bọt nhiều
- Ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông xuất hiện phát ban dạng phỏng nước
- Trẻ bị loét miệng khiến trẻ đau và quấy khóc khi ăn
- Nghiêm trọng hơn là trẻ bị rối loạn tri giác, mê sảng, co giật
Cách điều trị
Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ bị mắc tay chân miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng cách. Đồng thời cần chăm sóc trẻ đúng cách để bệnh mau khỏi:
- Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
- Bệnh dễ lây truyền nên cần cách ly trẻ ở nhà, không cho trẻ đi học để tránh lây nhiễm ra trẻ khác
- Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
Tiêu chảy
Triệu chứng
Triệu chứng điển hình của tiêu chảy là việc trẻ đi đại tiện phân lỏng nước, mùi hôi tanh kéo theo việc trẻ có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc, nôn.
Cách điều trị
Cha mẹ cần ghi nhớ những điều cần làm khi thấy trẻ bị tiêu chảy:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để trẻ không bị mất nước
- Không bỏ bữa của trẻ
- Bổ sung cho trẻ kẽm và các vitamin khác
- Không nên cho trẻ uống sữa vì sẽ khiến tình trạng tiêu chảy nặng thêm
Sốt xuất huyết
Triệu chứng
Sốt xuất huyết do muỗi hút máu người bệnh lan truyền cho người không bị bệnh, bệnh chủ yếu xảy ra vào mùa hè do khí hậu mưa ẩm ướt dễ dịch bùng phát.
Khi bị sốt xuất huyết, trẻ sẽ có những biểu hiện như;
- Sốt cao đột ngột trong 2 – 7 ngày
- Rất khó hạ sốt, đi kèm triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đau đầu
- Phát ban đỏ khắp người
Cách điều trị
Để điều trị tốt nhất, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện đồng thời lưu ý cách chăm sóc trẻ:
- Cho trẻ nghỉ ngơi và bổ sung nước cho cơ thể
- Chỉ nên ăn thức ăn dạng lỏng để trẻ dễ nuốt và không bị nôn
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ
- Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ để đưa đến gặp bác sĩ kịp thời