Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh. Trong đó, trẻ em là đối tượng rất dễ bị chúng tấn công. Có một số bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Ba mẹ cần biết cách phòng ngừa và chữa trị để bảo vệ sức khỏe của các em.
Dưới đây là danh sách một số bệnh trẻ rất dễ mắc phải trong mùa hè. Ba mẹ cần lưu ý nha.
Tiêu chảy
Khi nói đến các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ phải kể đến bệnh tiêu chảy. Đây là căn bệnh rất dễ bùng phát vào mùa hè.

Có đến 80% trẻ bị tiêu chảy là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh có thể do khuẩn lỵ, thương hàn, tả hoặc do virus, nấm trong đường ruột gây nên. Bên cạnh đó, một vài nguyên nhân chủ quan là do mùa hè nắng nóng dễ làm thức ăn ôi thiu. Ba mẹ không để ý mà cho bé ăn thì con sẽ dễ bị tiêu chảy. Tiêu chảy cũng có thể lây nhiễm từ trẻ này sang trẻ khác nên ba mẹ cần đề phòng.
Khi bé bị tiêu chảy, cần nhanh chóng bù nước cho con. Vì nếu để thiếu nước bé sẽ gặp các vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Ngộ độc thức ăn
Mùa hè thức ăn rất dễ ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận. Nếu ăn phải thực phẩm hư hỏng, không đảm bảo vệ sinh bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nhất là trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, mẫu giáo, tình trạng này rất dễ xảy ra do lượng thức ăn nhiều và khó đảm bảo từng suất ăn được vệ sinh như ở nhà.
Do đó, ba mẹ, người phụ trách nấu ăn cho trẻ cần bảo quản kỹ thực phẩm, cho bé ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó, hãy luôn nhắc nhở con không nên ăn quá nhiều đồ ăn vặt vì chúng có thể gây hại.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Trong đó, muỗi là vật truyền nhiễm virus gây bệnh sang người.

Mùa hè là thời điểm rất thích hợp cho muỗi sinh sôi, phát triển nên tình trạng sốt xuất huyết gia tăng mạnh. Bệnh hết sức nguy hiểm. Nếu ở thể nhẹ thì gây sốt, phát ban, suy đa tạng… Nếu không được điều trị kịp thời, bé có thể bị chảy máu nặng, sốc, thậm chí là tử vong do biến chứng của bệnh.
Viêm não Nhật Bản B
Mùa hè là thời điểm dễ xảy ra dịch viêm não Nhật Bản B ở trẻ nhỏ. Đây là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Virus này do muỗi truyền từ động vật sang người. Trong khi đó, mùa hè lại là mùa phát triển mạnh của muỗi nên rất dễ khiến bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.
Bệnh viêm não Nhật Bản B rất nguy hiểm. Biểu hiện của bệnh là trẻ bị sốt cao, đau đầu, nôn. Nhiều trẻ bị co giật rồi hôn mê. Trường hợp nặng nếu không được điều trị sớm có thể để lại di chứng thần kinh nặng, thậm chí là tử vong.
Nếu trẻ có những biểu hiện nêu trên, cần cho bé đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời. Tốt nhất, ba mẹ nên tiêm vacxin phòng viêm não Nhật Bản để bảo vệ bé trước các tác nhân gây bệnh. Khi ngủ cần bỏ màn để ngăn muỗi và vệ sinh sạch sẽ môi trường sống hạn chế muỗi sinh sôi, nảy nở.
Bệnh rôm sảy
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, bé rất dễ bị rôm sảy nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Rôm sảy có biểu hiện là các nốt mụn nhọt mọc thành từng đám, đỏ ửng, gây ngứa ngáy khó chịu cho bé. Thường thì rôm sảy sẽ tự hết nếu thời tiết dịu mát.

Tuy nhiên, nếu việc vệ sinh da cho bé không đảm bảo thì những nốt rôm sảy sẽ phát triển thành mụn mủ, thành nhọt, tăng nguy cơ bị viêm da mãn tính. Trường hợp nặng bệnh có thể tiến triển thành viêm cầu thận cấp vô cùng nguy hiểm đối với trẻ.
Bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là bệnh cấp tính với những biểu hiện rõ ràng như cộm mắt, ngứa mắt, đỏ mắt… Bệnh không quá nguy hiểm và ít để lại di chứng nếu phát hiện và điều trị sớm.
Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên chủ quan khi bé bị đau mắt đỏ vì nếu bệnh kéo dài không chữa có thể ảnh hưởng đến thị lực sau này. Đặc biệt, nó gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của con.
Sốt siêu vi
Mùa nắng là thời điểm rất dễ có nguy cơ bị nhiễm siêu vi khuẩn. Khi nhiễm siêu vi, bé thường có các biểu hiện như phát ban, nhức mắt, đau đầu, biếng ăn, buồn nôn….
Hầu hết các siêu vi đều không quá nguy hiểm và có thể khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, ba mẹ cần thật sự cẩn trọng với một số siêu vi nguy hiểm như siêu vi gây sởi, sốt xuất huyết, chân tay miệng…
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là căn bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ nhỏ, dễ lây lan nên dễ phát triển thành dịch. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus nhóm Enterovirus gây nên.

Biểu hiện của bệnh là sốt, đau họng, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng, lợi, lưỡi… Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với đồ vật có dính virus từ dịch tiết mũi họng hay các bọng nước vỡ ra của người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh chân tay miệng có thể khiến bé gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như co giật, hốt hoảng, lơ mơ… Vì thế, ba mẹ cần cho bé đi khám ngay khi xuất hiện các biểu hiện như trên.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 3 tuổi và có khả năng lây nhiễm rất cao trong môi trường nhà trẻ, trường mầm non nên ba mẹ cần cảnh giác. Nếu thấy bé có biểu hiện cần cho con nghỉ học ngay để tránh lây lan cho các bạn khác.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra và là một trong các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ. Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp nên dễ phát triển thành dịch.
Sau khi siêu vi xâm nhập vào cơ thể thì khoảng 10 – 20 ngày sau mới có biểu hiện rõ ràng như sốt, đau đầu, uể oải… Khoảng 2 ngày sau, cơ thể bé bắt đầu xuất hiện các nốt ban đường kính vài milimet và các nốt đậu. Ba mẹ cần chữa trị ngay cho bé để tránh lây lan diện rộng và hạn chế để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ.