Mùa hè, cơ thể ra nhiều mồ hôi cộng thêm việc tiếp xúc với bụi bẩn có thể là nguyên nhân gây mẩn ngứa. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này để có được cách chữa trị và phòng ngừa hiệu quả.
Mẩn ngứa là bệnh gì?
Mẩn ngứa là bệnh về da thường gặp, có thể gặp ở mọi đối tượng. Bệnh xảy ra ở bất cứ mùa nào trong năm nhưng mùa hè là thời gian lý tưởng nhất cho các loại côn trùng như muỗi, bọ chét… phát triển và gây bệnh.

Với những bệnh nhân có hiện tượng dị ứng với chất tiết của côn trùng thì họ sẽ có phản ứng mạnh hơn so với những người bình thường. Các vùng mẩn ngứa rộng hơn, tình trạng mẩn cũng nặng hơn, gây khó chịu cho người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh mẩn ngứa vào mùa hè
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mẩn ngứa. Trong đó, đa số các trường hợp bị mẩn ngứa là do côn trùng đốt, kích thích về vật lý, cơ học, ánh sáng hay do dị ứng thức ăn, hóa chất khiến cơ thể giải phóng ra histamin và gây nên tình trạng mẩn ngứa.
Ngoài ra, mẩn ngứa cũng là biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa. Một số bệnh mãn tính như bệnh tuyến cận giáp, viêm gan, xơ gan, đái tháo đường, suy thận, thiếu máu… cũng có thể gây nên tình trạng mẩn ngứa.
Riêng đối với mùa hè, việc tiếp xúc với môi trường nắng nóng, khô hanh, ăn đồ cay nóng hay tiếp xúc với hóa chất cũng gây nên tình trạng này. Có thể nêu một vài ví dụ như: Nếu một người đang ở ngoài trời nắng 40 độ bỗng nhiên di chuyển đột vào phòng điều hòa có nhiệt độ thấp khiến cho nhiệt độ cơ thể bị thay đổi đột ngột, vùng da hở tiếp xúc nhanh với khí lạnh có thể gây dị ứng mà biểu hiện là mẩn ngứa.

Bên cạnh đó, vào mùa hè, cơ thể thường tiết ra nhiều mồ hôi. Khi đó, nếu tiếp xúc với môi trường khói bụi, nắng nóng gay gắt có thể gây dị ứng, mẩn ngứa. Ngoài ra, khi làn da thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím sẽ gây tổn thương các tế bào da. Đồng thời, tia cực tím còn làm biến đổi tính chất protein tạo nên các hoạt chất kháng nguyên lạ, khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện sai và tạo nên phản ứng dị ứng, dẫn đến tình trạng mẩn ngứa, nổi mề đay.
Ngoài những lý do kể trên, việc sử dụng nước hoa, kem trang điểm cộng thêm thời tiết nắng nóng, mồ hôi, bụi bẩn cũng có thể gây kích ứng da.
Biểu hiện của mẩn ngứa thường gặp
Khi bị mẩn ngứa, người bệnh thường có biểu hiện là các mụn nước xuất hiện ở vùng sẩn phù, mẩn xuất hiện thành mảng đỏ. Các mụn nước có thể vỡ ra, tiết dịch rồi sau đó đóng vảy tiết và khô lại.
Có nhiều người, mẩn ngứa không nổi thành mảng mà sẽ nổi cục to. Những cục sần này là tổn thương màu đỏ, nâu, hoặc xám có kích thước từ 1 – 2 cm. Nhiều người còn hình thành các vết xước rải rác khắp các vùng da hở do cào, gãi.
Hầu hết các nốt mẩn gây ngứa ngáy rất khó chịu cho người bệnh nên ai cũng muốn có được cách chữa trị hiệu quả để chấm dứt tình trạng này.
Cách điều trị mẩn ngứa vào mùa hè
Mẩn ngứa gây ngứa ngáy khó chịu, khiến nhiều người cào gãi để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, việc cào gãi chỉ khiến vùng da thêm tổn thương và lây lan rộng hơn. Vì vậy, bạn hãy tìm cách điều trị thích hợp để điều trị tình trạng này.
Một số cách điều trị mẩn ngứa bạn có thể áp dụng như:
Điều trị bằng thuốc Tây y
Sử dụng thuốc Tây y để điều trị mẩn ngứa là phương pháp được nhiều người lựa chọn vì nó cho hiệu quả nhanh, dề dùng, hết ít công sức. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thuốc chống ngứa dạng uống hoặc bôi kèm theo thuốc chống dị ứng để điều trị.
Thuốc Tây y tuy đem lại hiệu quả chữa trị nhanh nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây tác dụng phụ. Ngoài ra, thuốc Tây y thường chỉ điều trị các triệu chứng tạm thời mà không ngăn được nguy cơ tái phát.
Mẹo dân gian trị mẩn ngứa
Thay vì sử dụng thuốc Tây y để điều trị mẩn ngứa, nhiều người lại lựa chọn áp dụng các mẹo dân gian để chữa trị. Bạn có thể áp dụng một vài biện pháp sau:

- Mật ong: Mật ong có tác dụng chống viêm và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi bị mẩn ngứa, bạn có thể hòa 3 thìa mật ong với nước ấm và uống mỗi ngày. Uống thường xuyên trong vài ngày tình trạng khó chịu do mẩn ngứa sẽ thuyên giảm.
- Tỏi: Trong tỏi có chứa hoạt chất kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch. Nếu bạn bị mẩn ngứa vào mùa hè, hãy ăn 3 – 4 tép tỏi sống mỗi ngày để hỗ trợ điều trị tình trạng này.
- Trà xanh: Trà xanh có tác dụng khám viêm tốt. Bạn có thể đun trà xanh lấy nước ấm ngâm vùng da bị mẩn ngứa. Đồng thời, bạn cũng nên uống 1 – 2 chén nước trà xanh mỗi ngày để tăng hiệu quả điều trị.
- Khoai tây: Rất đơn giản, bạn chỉ cần thái vài lát mỏng khoai tây rồi đắp lên vùng bị mẩn ngứa. Mỗi ngày đắp 2 lần, mỗi lần 20 phút thì tình trạng mẩn ngứa sẽ thuyên giảm.
Dù là áp dụng cách nào, tốt nhất bạn cũng nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Biện pháp phòng bệnh mẩn ngứa mùa hè
Mẩn ngứa là tình trạng rất thường gặp vào mùa hè. Bệnh gây mất thẩm mỹ và gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của họ. Vì vậy, phòng ngừa ngay từ khi bệnh chưa xuất hiện là việc cần làm ngay.

Bạn hãy áp dụng vài biện pháp dưới đây để phòng ngừa mẩn ngứa vào mùa hè:
- Uống đủ nước: Mỗi ngày cần uống ít nhất 2 lít nước để duy trì các hoạt động của cơ thể và cung cấp độ ẩm cho da, hạn chế tối ta mẩn ngứa.
- Sử dụng thực phẩm có công dụng giải nhiệt: Mùa hè bạn nên ăn các thực phẩm có tác dụng giải nhiệt như uống nước dừa, nước chanh, ăn cà chua, bí đao, củ cải…
- Chống nắng đúng cách: Ánh nắng mùa hè tác động rất xấu đến làn da nên cần phải chống nắng đúng cách để bảo vệ da của bạn. Khi ra ngoài, bạn nên đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, đeo kính râm. Ngoài ra, nếu không có việc quá cần thiết thì nên hạn chế ra ngoài đường từ 10 – 14h vì đây là khoảng thời gian tia UV hoạt động mạnh nhất.
- Cân bằng nhiệt độ cơ thể với nhiệt độ môi trường: Mất cân bằng nhiệt độ có thể gây dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa. Vì vậy, bạn cần tự cân bằng nhiệt độ cơ thể với môi trường, không nên di chuyển từ chỗ nắng nóng vào phòng lạnh ngay lập tức. Trời nắng, bạn có thể tắm nước lạnh để cân bằng lại nhiệt độ cơ thể nhưng cũng không nên ngâm mình trong nước lạnh quá lâu vì dễ bị cảm lạnh.